Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 528,7 triệu phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, chiếm khoảng 29,4%. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện dinh dưỡng, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, trong đó tập trung cao hơn ở miền núi và nông thôn.
Nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20-35 bị thiếu máu làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai và các tai biến sản khoa.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 528,7 triệu phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, chiếm khoảng 29,4%. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện dinh dưỡng, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, trong đó tập trung cao hơn ở miền núi và nông thôn.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Vân, trường Đại học Y dược Thái Nguyên nghiên cứu trên 585 người nhằm mục tiêu mô tả tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ người dân tộc Tày độ tuổi 20-35. Kết quả cho thấy tỷ lệ thiếu máu chung là gần 26%, thiếu máu do thiếu sắt đến 45%.
Ảnh: Boldsky.
Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt dự trữ sắt trong cơ thể, là nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu máu dinh dưỡng gặp ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Hầu như tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều bị thiếu sắt ở các mức độ khác nhau, đặc biệt khi có thai.
Theo bác sĩ Vân, thiếu máu dinh dưỡng đang là vấn đề nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, thiếu máu ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là nguy cơ hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai cũng như các tai biến sản khoa. Phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu máu thường mệt mỏi, giảm sức khỏe, giảm trí nhớ, giảm khả năng lao động. Phụ nữ có thai bị thiếu máu làm mức tăng cân kém, thai kém phát triển, dễ dẫn đến sảy thai, đẻ non, bị băng huyết khi sinh đẻ, đẻ con nhỏ yếu, con đẻ ra sẽ bị thiếu máu.
Khi mang thai, nhu cầu sắt tăng cao do cơ thể cần một lượng sắt rất lớn cho sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, người phụ nữ còn bị mất máu qua quá trình sinh nở, kỳ kinh nguyệt và tạo sữa nuôi con bú. Phụ nữ sinh đẻ càng nhiều thì nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt càng cao và cơ thể càng bị suy nhược.
Uống bổ sung viên sắt, axit folic, vitamin B12… là biện pháp điều trị và phòng chống thiếu máu dinh dưỡng. Chị em cũng nên cải thiện bữa ăn bằng việc lựa chọn thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan lợn, lòng đỏ trứng, rau và các loại đậu.