Bản thân bệnh nhân viêm cột sống dính khớp muốn giảm nhẹ đau đớn nên thường để các khớp ở trạng thái hoàn toàn không hoạt động trong thời gian dài, hậu quả là bị teo cơ bắp và co rút khớp xương, gây tàn phế. Do vậy phương pháp tốt nhất là tích cực điều trị bằng các thuốc chống viêm để kiểm soát tình trạng đau. Khi đã ổn định tình trạng viêm đau sẽ phối hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện hoạt động các khớp xương.
Viêm cột sống dính khớp nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra tàn phế cho người bệnh và khả năng phục hồi không cao.
Một số triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp
Trong thời kỳ đầu phát bệnh, các triệu chứng thường nhẹ nên không được chú ý. Khi triệu chứng đã rõ thì bệnh đã tiến triển được nhiều tháng cho đến vài năm.
Dấu hiệu sớm thường gặp là đau âm ỉ, mơ hồ vùng thắt lưng hoặc vùng mông. Biểu hiện ở cột sống thường bắt đầu từ khớp cùng chậu nằm phía sau khung chậu, sau đó tổn thương tiếp tục lan theo chiều từ dưới lên trên cao cho đến tận đốt sống cổ. Đau có đặc điểm tăng lên về đêm và cứng cột sống, thấy rõ nhất là lúc sáng sớm mới ngủ dậy.
Ở giai đoạn muộn, người bệnh viêm cột sống dính khớp thường có các biến dạng cột sống rõ rệt như eo lưng dẹt do teo cơ cạnh cột sống, lưng gù, cổ vươn về phía trước.
Khớp háng bị viêm trong khoảng 70% trường hợp, thường xuất hiện trong 5 năm đầu bị bệnh. Viêm khớp háng có biểu hiện đau vùng bẹn, sau mông, hạn chế vận động phần hông thường ở trạng thái co gấp. Các cơ mông và đùi teo nhanh chóng.
Viêm khớp gối, chủ yếu là sưng đau, ít nóng đỏ, có thể kèm theo tràn dịch khớp, làm hạn chế các động tác gấp duỗi chân, đi lại khó khăn. Một số khớp khác cũng có thể bị tổn thương như khớp cổ chân, khớp vai. Đau gót chân và đau sưng tấy ở những điểm gân cơ khác là những hiện tượng thường gặp, gọi là viêm gân bám tận.
Chế độ sinh hoạt, vận động khi bị viêm cột sống dính khớp
Bản thân bệnh nhân viêm cột sống dính khớp muốn giảm nhẹ đau đớn nên thường để các khớp ở trạng thái hoàn toàn không hoạt động trong thời gian dài, hậu quả là bị teo cơ bắp và co rút khớp xương, gây tàn phế. Do vậy phương pháp tốt nhất là tích cực điều trị bằng các thuốc chống viêm để kiểm soát tình trạng đau. Khi đã ổn định tình trạng viêm đau sẽ phối hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện hoạt động các khớp xương.
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, cần phải nghỉ ngơi. Khi không vận động phải đặt khớp xương viêm cấp tính ở vị trí thích hợp hoặc dùng nẹp hạn chế cử động, tránh phát sinh co rút khớp. Trong thời kỳ cấp tính phải kiên trì tập duỗi thẳng chi và cột sống để giảm nhẹ các cơn đau do co rút cơ gây ra. Khi nằm nghỉ, phải nằm ngửa trên nền cứng, đầu gối thấp, chân duỗi thẳng hơi dạng để tránh các khớp bị co rút nặng thêm. Với tư thế này nếu cố định khớp thì vẫn đi lại được.
Khi bệnh đã đỡ thì cần phải tích cực vận động càng sớm càng tốt để chống dính khớp. Cần phải hiểu rằng tập vận động khớp và điều trị bằng thuốc đều có tầm quan trọng như nhau. Bệnh nhân phải học cách tự chăm sóc bản thân và thường xuyên tập thể dục, với sự hướng dẫn của bác sĩ để duy trì được tư thế tốt nhất của cột sống, tăng cường cơ lực của các cơ cạnh cột sống và tăng hoạt động của các cơ hô hấp.
Trong thời gian bị bệnh, mỗi ngày cần hoạt động khớp xương nhẹ nhàng 1-2 lần để giúp giảm bớt co cứng cơ. Xoa bóp vùng bị tổn thương giúp cho phục hồi nhanh hơn. Có thể áp dụng các bài tập thể dục trị liệu hay tập bơi, chơi cầu lông, bóng bàn. Thậm chí sau khi các triệu chứng bệnh đã khỏi thì vẫn phải kiên trì vận động trong thời gian dài để duy trì các khớp xương ở trạng thái chức năng bình thường. Tránh mang vác nặng, ngồi lâu không thay đổi tư thế làm ảnh hưởng đến cột sống.