Trường hợp khớp gối bị viêm, thoái hóa nặng hơn, bệnh nhân có thể được nội soi khớp để cắt hoạt mạc viêm, rửa khớp gối. Nếu thương tổn khớp gối bị hư nặng, lệch trục, tổn thương dưới sụn…, bệnh nhân sẽ phải thay khớp gối.
Thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 trở đi. Khi sụn khớp bị tổn thương dẫn đến đau nhức, sưng viêm ở vùng khớp gây cản trở di chuyển.
Thế nhưng việc sử dụng thuốc không đúng cách, các phương pháp chữa trị không an toàn sẽ làm bệnh ngày càng nặng hơn.
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng mòn lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối, dẫn đến lệch trục, gây vẹo khớp, làm biến dạng khớp gối. Ở giai đoạn sớm, khớp gối chưa hư ngay do dịch khớp bên trong mới có biểu hiện bị hao hụt. Khi dịch khớp hao hụt càng nhiều làm bề mặt sụn khớp bị mòn dần và đưa đến tình trạng hẹp khe khớp gối. Theo thời gian, thương tổn “ăn” dần từ bề mặt của sụn rồi khuyết dưới mặt sụn, gây thương tổn tổ chức dưới sụn và phá hủy đến mô xương. Đến giai đoạn ăn vào mô dưới sụn sẽ tạo nên tình trạng khuyết xương, mà trên hình ảnh Xquang thường được gọi là gai xương, nhưng thực chất đó là thương tổn của khuyết xương và vôi hóa.
Hiện tại chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Việc điều trị nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì vận động khớp, giảm tiến triển của bệnh. Các phương thức điều trị theo giai đoạn bệnh, do bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định.
Tiêm vào khớp gối không đúng kỹ thuật, không đảm bảo vô khuẩn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Điều trị theo giai đoạn bệnh
Ở giai đoạn sớm, người bệnh ít đi khám do tự nhiên hết đau. Đến giai đoạn hai, bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc có tác dụng làm kích thích mô sụn như glucosamin, chondroitin sulfate và thuốc kháng viêm, giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein. Trường hợp không đáp ứng thì dùng phối hợp thuốc giảm đau chống viêm không steroid toàn thân như: Diclofennac, celecoxib, meloxicam… (uống hoặc tiêm) hoặc bôi tại chỗ. Một trong những thuốc điều trị thoái hóa khớp gối ở giai đoạn viêm là sử dụng corticoid uống hoặc tiêm vào khớp gối.
Một cách điều trị khác ở giai đoạn hai là tiêm chất nhờn hyarulonic acid vào khớp gối. Hyaluronic acid giúp thẩm thấu các chất dinh dưỡng từ dịch khớp để nuôi dưỡng mô sụn. Tuy nhiên, chất nhờn hyarulonic acid chưa được khuyến cáo mạnh. Trong trường hợp tiêm thuốc này cũng phải thận trọng như tiêm corticoid vào khớp.
Trường hợp khớp gối bị viêm, thoái hóa nặng hơn, bệnh nhân có thể được nội soi khớp để cắt hoạt mạc viêm, rửa khớp gối. Nếu thương tổn khớp gối bị hư nặng, lệch trục, tổn thương dưới sụn…, bệnh nhân sẽ phải thay khớp gối. Y học đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu giúp mô sụn khớp được tái tạo và chống viêm hiệu quả bằng phương pháp chích tế bào gốc vào khớp gối trong điều kiện vô trùng.
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc
Để giảm các triệu chứng đau và duy trì vận động khớp gối hiệu quả, người bệnh cần áp dụng các biện pháp khác có tác dụng hỗ trợ điều trị rất tốt như:
Vật lý trị liệu: Có tác dụng giảm đau tốt, với mục đích chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị đau gân và cơ kết hợp tăng sức mạnh của cơ. Các biện pháp bao gồm mát-xa cơ, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân…).
Tập luyện phù hợp: Có thể tập các bài tập như chạy bộ khi khớp chưa có tổn thương Xquang, nghĩa là khe khớp vẫn còn bình thường. Chú ý tránh đi bộ nhiều trong giai đoạn khớp gối đang đau. Bơi hoặc đạp xe đạp tại chỗ là các biện pháp tập luyện tốt. Ngoài ra cần tránh các công việc phải đứng hoặc di chuyển quá nhiều để tránh dồn áp lực thể trọng lên khớp gối.
Những sai lầm điều trị khiến thoái hóa khớp gối nặng hơn
Lạm dụng nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm và corticoid
Khi có các triệu chứng đau nhức người bệnh thường có thói quen sử dụng thuốc giảm đau uống hoặc tiêm. Nhóm thuốc này tuy có tác dụng làm giảm đau nhanh, nhưng khi ngừng sử dụng sẽ xuất hiện các triệu chứng đau nặng hơn. Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid toàn thân như: Diclofennac, celecoxib, meloxicam… trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày (gây loét, viêm), chức năng của gan, thận cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, với nhóm người bị các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, tiểu đường, mỡ trong máu…phải hết sức chú ý khi sử dụng nhóm thuốc này.
Việc tiêm hoặc uống corticoid cũng nên thận trọng. Đây là thuốc có tác dụng chống viêm rất tốt. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc quá liều lượng, dùng lâu dài sẽ có nhiều tác dụng phụ không tốt lên xương và nhiều cơ quan khác của cơ thể. Đặc biệt, nếu tiêm không đúng kỹ thuật chuyên môn, không đảm bảo vô trùng, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng khớp rất nguy hiểm.
Chườm giảm đau không phải lúc nào cũng tốt
Chườm nóng, lạnh, bôi thuốc, ngâm nước nóng là những phương pháp được nhiều người bị thoái hóa khớp áp dụng. Tuy nhiên không phải ở trường hợp thoái hóa khớp gối nào cũng có thể dùng được. Ví dụ, thoái hóa khớp gối kèm viêm, không nên chườm ấm hoặc bôi thuốc gây nóng, vì làm tăng cơn đau do kích thích viêm.
Cảnh giác thuốc giả danh Đông y gia truyền
Hiện có nhiều thuốc giả danh Đông y gia truyền trị các tình trạng thoái hóa khớp, thường ở dạng viên, được pha trộn thêm một số loại tân dược có chức năng giảm đau nhanh, kích thích ăn uống, ngủ tốt… nhằm lừa người bệnh về công dụng của thuốc. Nhưng thực tế những biểu hiện ăn tốt, ngủ tốt của người bệnh đều do tác dụng phụ của nhóm thuốc có chứa corticoid chứ không phải tác dụng thật của thuốc. Sử dụng loại thuốc này lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.