Bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tận gốc lấy đi toàn bộ tiền liệt tuyến (kích cỡ khoảng bằng một quả óc chó, nằm dưới bàng quang, có chức năng sản xuất tinh dịch).
Giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, khối u lớn làm cho bệnh nhân bí tiểu, giai đoạn di căn có thể gây vàng da, đau ngực.
Các chuyên gia từ Trung tâm ung thư Parkway (PCC), Singapore, cho biết giai đoạn sớm ung thư tiền liệt tuyến thường không gây ra triệu chứng. Bệnh nhân có thể được phát hiện tình cờ thông qua xét nghiệm máu (xét nghiệm chất PSA) hoặc sờ thấy một khối cứng ở tiền liệt tuyến khi đưa ngón tay trỏ từ ngả trực tràng. Khối ung thư càng lớn càng gây chèn ép vào niệu đạo làm cho người bệnh khó tiểu, tiểu lắt nhắt, phải rặn. Bệnh nhân có thể bị rát, tiểu ra máu, thậm chí bí tiểu hoàn toàn gây đau vùng bụng dưới, bàng quang căng to.
Ở giai đoạn nặng, khối ung thư tiền liệt tuyến xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc các hạch bạch huyết vùng chậu. Càng về sau, ung thư càng di căn đến các vùng xa hơn của cơ thể như đốt sống thắt lưng thấp hay xương chậu gây đau lưng và vùng chậu. Ung thư có thể lan đến gan, gây đau bụng và vàng da (da nhuộm màu vàng), di căn đến phổi gây đau ngực và ho nhiều.
Vị trí của tuyến tiền liệt trong hệ thống cơ quan sinh dục nam. Ảnh: WebMD.
Các bác sĩ khuyến cáo đàn ông từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tiền liệt tuyến định kỳ mỗi năm một lần nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường thì được xem là nghi ngờ có bệnh, khi đó cần làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt. Các thăm khám tầm soát tiền liệt tuyến bao gồm khám bằng tay và đo chất PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến).
Bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tận gốc lấy đi toàn bộ tiền liệt tuyến (kích cỡ khoảng bằng một quả óc chó, nằm dưới bàng quang, có chức năng sản xuất tinh dịch). Phương pháp này được chỉ định cho khoảng 36% bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến còn khu trú tại chỗ. Một số nguy cơ có thể gặp phải khi mổ là tai biến trong khi mổ hoặc gây mê, chảy máu nhiều ở chỗ mổ, liệt dương chiếm 30 đến 70%, tiểu không tự chủ chiếm từ 3 đến 10% bệnh nhân.
Những tiến bộ gần đây đã giúp làm giảm biến chứng của phẫu thuật, giảm tỷ lệ liệt dương và tiểu không kiểm soát. Với các bệnh nhân bị liệt dương sau mổ có thể điều trị bằng sildenafil dạng uống hoặc tiêm alprostadil vào dương vật, bơm hoặc dùng dụng cụ tác động lên dương vật (dương vật giả). Trường hợp bị tiểu không kiểm soát thường hồi phục theo thời gian, đặc biệt là phải tập luyện và dùng thuốc để kiểm soát són tiểu. Đôi lúc bệnh nhân tiểu không kiểm soát cần phải cấy ghép loại cơ vòng nhân tạo quanh niệu đạo. Cơ vòng này được tạo từ cơ khác của bệnh nhân hoặc vật liệu nhân tạo để kiểm soát dòng nước tiểu qua niệu đạo.
Một phương pháp khác là xạ trị nhằm phá hủy các tế bào ung thư và ngăn không cho phát triển hoặc tiêu diệt chúng. Tế bào ung thư phân chia nhanh nên dễ bị tổn thương hơn các tế bào bình thường xung quanh. Các thử nghiệm lâm sàng đang hướng tới việc dùng tia xạ để điều trị ung thư tiền liệt tuyến còn khu trú. Đánh giá bước đầu, xạ trị giúp người bệnh sống sót sau 10 năm, tương đương với phương pháp mổ. Tiểu không kiểm soát và liệt dương xảy ra do mổ cao hơn xạ trị. Tuy nhiên, cần phải có thêm dữ kiện để đánh giá nguy cơ và khả năng sống trên 10 năm, đặc biệt là tình trạng tái phát sau xạ trị.
Phương pháp điều trị bằng hormone dành cho bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến đã tiến triển xa hoặc di căn. Trường hợp ung thư khu trú nhưng người bệnh còn mắc bệnh nặng khác hoặc từ chối mổ và xạ trị thì vẫn được điều trị bằng hormone. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho dưới 10% bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến còn khu trú. Các bác sĩ lưu ý điều trị bằng hormone chỉ tạm thời nhằm kiểm soát bệnh hơn là chữa khỏi ung thư.