Bác sĩ See khuyên phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao do yếu tố gia đình, nên cân nhắc việc cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng.
Người có kinh nguyệt sớm, mang thai muộn, mãn kinh trễ, không sinh con, tiền sử bệnh lạc nội mạc tử cung… dễ bị ung thư buồng trứng.
Bác sĩ See Hui Ti, Trung tâm ung thư Parkway, Singapore, chỉ ra 7 yếu tố nguy cơ phổ biến gây ung thư buồng trứng bao gồm mang thai muộn, có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, phụ nữ không sinh con, tiền sử ung thư vú, gene bẩm sinh, từng có tiền sử lạc nội mạc tử cung.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có chị em hoặc mẹ bị ung thư buồng trứng, vú, đại tràng sẽ đối diện với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Nếu có mẹ bị ung thư buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao gấp 3-4 lần người bình thường. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người mắc cả hai loại ung thư vú và buồng trứng thì nguy cơ bạn bị ung thư buồng trứng tăng lên 10 lần.
Bác sĩ See khuyên phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao do yếu tố gia đình, nên cân nhắc việc cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng.
Ảnh minh họa: News.
Nghiên cứu cũng ghi nhận ung thư buồng trứng gia tăng theo độ tuổi, bệnh thường phát triển trong thời kỳ mãn kinh. Hầu hết các ca bệnh được phát hiện ở độ tuổi từ 40 đến 50, rất hiếm thấy ở nhóm dưới 40.
Ung thư buồng trứng có thể phát hiện nhờ một số xét nghiệm giúp chỉ điểm khối u trong máu. Chẳng hạn như chỉ số CA-125 thường tăng lên khi biểu mô ung thư buồng trứng xuất hiện. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phải lúc nào cũng chính xác và không đủ để đưa ra kết luận chẩn đoán. Trên thực tế một số bệnh không phải ung thư cũng làm tăng chỉ số CA-125.
Bệnh nhân thường được chỉ định siêu âm buồng trứng và tử cung, nếu thấy có khối u hoặc nang hỗn hợp trong buồng trứng kết hợp với xét nghiệm chỉ số CA-125 tăng, bác sĩ có thể chẩn đoán nghi ngờ ung thư buồng trứng. Khi đó có thể cần chụp thêm CT hoặc MRI vùng bụng và khung chậu hoặc X-quang để được chẩn đoán chính xác. Sinh thiết hoặc phẫu thuật cũng có thể được áp dụng để khẳng định tế bào ung thư hoặc xem có phải khối u nguyên phát từ buồng trứng hay không.
Lưu ý: Phết đồ âm đạo không giúp phát hiện ung thư buồng trứng. Phương pháp này thường được khuyên thực hiện để sàng lọc ung thư cổ tử cung và kiểm tra tiền ung thư và những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung. Còn ung thư buồng trứng thường không thể hiện trên kết quả phết đồ âm đạo thông thường. Thực tế một số bệnh nhân khi thực hiện phết đồ âm đạo cho thấy có ung thư buồng trứng, song rất hiếm khi xảy ra.