Khi não nhận được tín hiệu, nó kích thích cơ cổ họng của bạn và làm phổi giải phóng một luồng khí mạnh vào trong khí quản. Sự phóng thích không khí này xảy ra nhằm mục đích đẩy các tác nhân gây kích thích ra ngoài. Đó chính là hiện tượng hắt hơi.
Cơn hắt hơi đến không đúng lúc khiến bạn cảm thấy phiền phức và muốn kìm hãm nó lại, hành động này có gây hại cho sức khỏe.
Vì sao chúng ta hắt hơi?
Hắt hơi là loại phản xạ sinh lý phức tạp, nó xảy ra khi bạn hít phải một chất hay hạt gây kích ứng, chúng đi qua lỗ mũi rồi vào trong lớp niêm mạc mũi. Điều này kích hoạt quá trình giải phóng histamine – một amin sinh học kích thích các tế bào thần kinh trong niêm mạc mũi đến não của bạn.
Khi não nhận được tín hiệu, nó kích thích cơ cổ họng của bạn và làm phổi giải phóng một luồng khí mạnh vào trong khí quản. Sự phóng thích không khí này xảy ra nhằm mục đích đẩy các tác nhân gây kích thích ra ngoài. Đó chính là hiện tượng hắt hơi.
Theo PGS Erich Voigt – khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm NYU Langone Health (Mỹ), cơn hắt hơi mạnh đến mức nước mũi của bạn có thể văng xa 6m – 8m.
Điều gì xảy ra khi nhịn hắt hơi?
Nếu bạn ngăn cơn hắt hơi, áp lực không khí sẽ quay trở lại các xoang trong đầu, khoang mũi hoặc xuống cổ họng và vào ngực trở lại. Mỗi lần nhịn hắt hơi như vậy khiến áp lực không khí tăng lên đáng kể, từ 5 đến 24 lần so với bình thường.
Cơ thể bị ảnh hưởng thế nào nếu nhịn hắt hơi?
Theo PGS Ahmad R. Sedaghat – khoa Tai Mũi Họng, Đại học Y Harvard (Mỹ) khuyến cáo: Khi bạn nhịn hắt hơi, áp lực không khí có thể dồn lên vòi nhĩ (những ống nhỏ nối liền cổ họng với tai giữa) khiến màng nhĩ bị vỡ, thậm chí mất thính giác vĩnh viễn.
Còn theo ý kiến của BS Dale Amanda Tylor, khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm ENT Associates of Santa Barbara (Mỹ), áp lực khi nhịn hắt hơi có thể làm nổ một mạch máu nhỏ trong mắt, mũi hoặc màng nhĩ.
Thậm chí, nhịn hắt hơi có thể gây vỡ phình mạch, tình trạng xảy ra khi thành mạch bị suy yếu và phình ra, nhất là người có mạch máu bất thường, từng phẫu thuật xoang, mạch máu hay phẫu thuật não, hoặc bị chấn thương ở đầu, cổ hay ngực.
Có nên cố nhịn hắt hơi?
Hãy giải phóng cơn hắt hơi để giải phóng áp suất không khí. Nếu cố nhịn hắt hơi, bạn không chỉ ngăn cơ thể thực hiện vai trò làm sạch tác nhân gây kích thích mũi mà còn gây rủi ro cho cơ thể thông qua việc giữ áp lực không khí lại bên trong.
Tuy nhiên, nếu cần thiết phải kìm hãm cơn hắt hơi, hãy thực hiện bằng cách kích thích các dây thần kinh cảm giác có thể ngăn chặn phản xạ hắt hơi. Nếu thực hiện ở bước này, bạn sẽ không phải giữ bất cứ áp lực nào trong cơ thể. Theo hướng dẫn của bác sĩ Tylor, bạn có thể chà xát vào mũi.
Còn nếu đã hắt hơi, hãy tuân theo nguyên tắc hắt hơi đúng cách để ngăn lây lan vi trùng. Hắt hơi đúng cách là không dùng một bàn tay để che mũi như mọi người thường làm mà nên dùng khuỷu tay hoặc hắt hơi vào một chiếc khăn.