Trên thực tế, kìm nén hắt xì không chỉ ngăn cơ thể thực hiện chức năng làm sạch mà còn gây nguy hiểm cho cơ thể.
Nhịn hắt hơi gây áp lực lên cơ thể và có khả năng làm vỡ mạch máu hoặc mất thính giác.
Không phải lúc nào chúng ta cũng tự cho phép bản thân hắt hơi một cách tự nhiên, nhất là khi đang hẹn hò hoặc xem phim ngoài rạp. Câu hỏi đặt ra là liệu nhịn hắt hơi có gây hại cho sức khỏe?
Theo Men’s Health, hắt hơi là phản xạ sinh lý phức tạp, xảy ra khi bạn thở vào một loại chất hoặc hạt gây kích ứng. Nhận được tín hiệu, não bộ sẽ kích hoạt cơ cổ họng và huy động phổi giải phóng lượng không khí lớn nhằm mục đích đẩy các tác nhân kích ứng ra ngoài.
Bác sĩ Erich Voigt, phó giáo sư khoa Tai Mũi Họng Đại học New York (Mỹ) cho biết áp lực từ cái hắt xì dù thế nào cũng phải “đi đâu đó”. “Nếu miệng và mũi đóng, áp lực sẽ trở lại xoang, khoang mũi hoặc qua cổ họng xuống ngực”, ông giải thích. Lúc này, do kìm nén, khối áp lực sẽ tăng 5-24 lần so với bình thường.
Nhịn hắt hơi có thể gây hại cho cơ thể. Ảnh: MH.
Một số người tin rằng áp lực tăng lên trong thời gian ngắn không thể kéo đến rủi ro. Tuy nhiên, tiến sĩ Ahmad R. Sedaghat từ Khoa Tai Mũi Họng Đại học Harvard khẳng định điều ngược lại: “Khi võ sĩ Floyd Mayweather tung ra cú đấm, găng của anh ấy cũng chỉ tiếp xúc với mặt đối thủ vài tích tắc. Áp lực quá lớn vẫn gây hại dù không tồn tại lâu”.
Trên thực tế, kìm nén hắt xì không chỉ ngăn cơ thể thực hiện chức năng làm sạch mà còn gây nguy hiểm cho cơ thể.
Nhịn hắt hơi, không khí cùng áp lực đi tới ống eustachian nối giữa tai giữa và cổ họng có khả năng khiến bạn bị tổn thương màng nhĩ hoặc nghiêm trọng hơn là mất thính giác vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, áp lực từ cái hắt hơi còn có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ ở mắt, mũi, màng nhĩ. Một hệ quả khác là thành mạch máu suy yếu dẫn tới chứng phình mạch.
Tuy nhiên, bác sĩ Voigt trấn an rằng các nguy cơ trên rất hiếm gặp và thường chỉ xảy ra ở những cá nhân vốn gặp bất thường về mạch máu; vừa phẫu thuật xoang, hệ mạch máu, não hay từng chấn thương đầu, cổ, ngực.
Như vậy, mỗi lần muốn hắt hơi, tốt nhất bạn không nên kìm nén. Đối với những trường hợp bất khả kháng, bạn có thể chà nhẹ mũi hoặc ấn nhẹ vùng môi ngay dưới mũi để kích thích các dây thần kinh khác và tạm “khóa” cái hắt xì.
Ngoài ra, thay vì lấy tay che, bạn hãy hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy rồi rửa tay ngay lập tức. Cách này sẽ bảo vệ bạn và những người xung quanh khỏi mầm bệnh.