Bệnh nhân không có các dấu hiệu trên thì xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở tuổi từ 45 trở lên. Sau đó mỗi 1-3 năm tầm soát một lần, hoặc sớm hơn.
Người có chỉ số BMI từ 23, vòng bụng từ 90 cm (nam) và từ 80 cm (nữ) nên xét nghiệm sàng lọc tiểu đường.
Theo hướng dẫn về bệnh đái tháo đường tuýp 2 do Bộ Y tế công bố chiều 20/9, tiêu chuẩn để làm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người không có triệu chứng của bệnh là người lớn có chỉ số BMI từ 23 trở lên hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng.
Ngoài ra, nên xét nghiệm đường huyết nếu bạn có một hoặc một số yếu tố sau:
Đái tháo đường đang trở thành đại dịch tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa: N.P.
– Ít vận động thể lực.
– Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột).
– Tăng huyết áp.
– Nồng độ HDL cholesterol dưới 35mg/(0,9 mmol/L) hoặc nồng độ triglyceride lớn hơn 250 mg/dL (2,82 mmol/L).
– Vòng bụng to, nam từ 90 cm và nữ từ 80 cm.
– Phụ nữ bị buồng trứng đa nang.
– Phụ nữ đã mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
– Xét nghiệm chỉ số HbA1c từ 5,7% trở lên (39 mmol/mol), rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó.
– Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo phì, dấu gai đen…).
– Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
Bệnh nhân không có các dấu hiệu trên thì xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở tuổi từ 45 trở lên. Sau đó mỗi 1-3 năm tầm soát một lần, hoặc sớm hơn.
Theo Bộ Y tế, hướng dẫn và quy trình lâm sàng về chẩn đoán, điều trị đái tháo đường tuýp 2 bao gồm phát hiện và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, thực hiện xét nghiệm ở người chưa có triệu chứng bệnh…
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, bệnh đái tháo đường tăng nhanh tại Việt Nam trong khi nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế. 70% người có bệnh nhưng chưa được chẩn đoán, nhiều người chỉ biết bệnh khi đã biến chứng. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng công bố trang thông tin điện tử về đái tháo đường.
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Trên toàn thế giới có 415 triệu người lớn (độ tuổi 20-79), tương đương một trong 11 người lớn đang sống với bệnh. Dự đoán vào năm 2040, con số này sẽ tăng lên khoảng 642 triệu người, hay nói cách khác cứ 10 người thì có một bệnh đái tháo đường. Tại Việt Nam, năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh, dự báo tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, chỉ chưa đến 30% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.
Tỷ lệ người dân bị tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng. Tiền đái tháo đường là một thuật ngữ dùng để chỉ những bệnh nhân có mức đường huyết báo động, vượt trên ngưỡng bình thường nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường. Trong số các trường hợp được chẩn đoán tiền đái tháo đường, thì 1/3 diễn tiến bình thường, 1/3 vẫn duy trì ở trạng thái tiền thái đường và 1/3 trở thành đái tháo đường tuýp 2. Tình trạng tiền đái tháo đường cũng đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Chỉ cần tập luyện thể lực, ăn uống hợp lý thì có thể làm chậm diễn tiến thành đái tháo đường.