Gai thường chỉ có chiều dài vài milimet. Phần lớn gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi mọc ở phía sau, do đó ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh.
Khi tuổi càng cao, thân sống, đĩa sụn, dây chằng khớp thường phát triển thêm ra, “cơi nới” cột sống khiến bạn khó chịu. Đó là bệnh gai cột sống.
Những dấu hiệu của cột sống nhắc bạn nên tới bác sĩ
Đó là lúc bạn thấy đau thắt lưng, đau vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay… đôi khi làm giới hạn vận động ở cổ, vai, thắt lưng. Phần lớn gai cột sống gây đau do tiếp xúc với dây thần kinh hoặc các xương đốt sống khi cử động.
Gai thường chỉ có chiều dài vài milimet. Phần lớn gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi mọc ở phía sau, do đó ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh.
Nguyên nhân làm phát triển thêm cột sống?
Có 3 nguyên nhân chính tạo điều kiện cho việc “nới rộng” cột sống không mong muốn: viêm khớp cột sống mãn tính; sự lắng đọng canxi; chấn thương.
Với người bị viêm khớp mãn tính, gai xương là kết quả việc phản ứng tự nhiên của cơ thể. Người bị viêm lâu ngày khiến phần sụn bị hao mòn, bề mặt trơn láng trở nên thô ráp. Hai mặt xương xọ xát vào nhau, cơ thể buộc phải điều chỉnh và hệ lụy để lại là hình thành gai xương.
Sự lắng đọng canxi do thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi cũng dễ dẫn tới hình thành gai xương. Thoái hóa gây mất đến 80% nước trong sụn và làm biến đổi một số chất gây hiện tượng canxi hóa. Canxi thừa này chính là những chiếc gai không mong muốn.
Chấn thương xương khớp hay cột sống cũng là yếu tố để cột sống của bạn dễ rộng thêm. Khi chấn thương xảy ra, cơ thể hình thành tạo phản ứng sửa chữa nơi bị thương. Trả công cho phản ứng này là những gai xương hình thành.
Có cần phẫu thuật không?
Điều trị bệnh gai cột sống thường nghiêng về bảo tồn, không nhất thiết phải giải phẫu. Những thuốc thường dùng là nhóm giảm đau kháng viêm. Đôi khi người ta dùng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ… để giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.
Các phương pháp điều trị hỗ trợ gồm châm cứu, vật lý trị liệu để giảm đau và tăng vận động ở một số cơ khớp bị ảnh hưởng, tập thể dục đều đặn.
Cần tránh bắt cột sống phải chịu một trọng lượng lớn như đẩy tạ, nhảy cao… Nên tập các môn thể thao dưới nước như bơi lội, aerobic để giúp giảm sức nặng của cơ thể.
Yoga cũng là một phương pháp giúp giảm trọng lượng cơ thể lên phần đốt sống bệnh, đồng thời làm thư giãn vùng cơ bị ảnh hưởng.
Chỉ khi có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc các rễ thần kinh ở cột sống, bác sĩ mới khuyên bạn phẫu thuật. Tuy nhiên gai vẫn có nguy cơ mọc lại vào vị trí cũ.