HP chủ yếu tấn công dạ dày nên thường sẽ có biểu hiện viêm loét, các triệu chứng: đau bụng trên rốn, đầy bụng khó tiêu, cồn cào xót ruột, buồn nôn, nôn ói, thiếu máu không rõ nguyên nhân. Người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị mà cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn, thăm khám chính xác.
Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày có thể lây lan từ thói quen ăn uống chung của người Việt.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị Tiêu hóa Can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM, vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày. HP xem dạ dày là ngôi nhà của mình, gây ra các bệnh như: rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, viêm dạ dày, viêm teo dạ dày. Biến chứng của các bệnh này có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
HP có trong dịch ợ, dịch nôn ói. Thói quen gắp chung thức ăn, chấm chung nước chấm rất dễ lây bệnh. Bác sĩ Lưu Phương khuyên nên có đũa muỗng dùng riêng cho thức ăn chung và tập thói quen ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe của mọi người.
Người nhiễm HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ảnh minh họa: Manshealth.
HP chủ yếu tấn công dạ dày nên thường sẽ có biểu hiện viêm loét, các triệu chứng: đau bụng trên rốn, đầy bụng khó tiêu, cồn cào xót ruột, buồn nôn, nôn ói, thiếu máu không rõ nguyên nhân. Người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị mà cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn, thăm khám chính xác.
Đối với trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, nếu trong gia đình có người đã từng bị nhiễm HP thì nên sớm đi kiểm tra vì có xác suất lây nhiễm cao.
Có nhiều lý do dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày như: gen di truyền; môi trường sống bị ô nhiễm nặng, tiếp xúc với các hóa chất hay phóng xạ độc hại. Ăn uống không hợp vệ sinh, dùng nhiều đồ chiên, nướng, ăn mặn thường xuyên cũng tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh cũng xảy ra ở người có chế độ sinh hoạt không hợp lý, quá căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên thức đêm.
Tại Việt Nam, 60% người trưởng thành nhiễm vi khuẩn HP. 50% số ca viêm dạ dày có sự hiện diện của HP, trường hợp viêm loét, tỷ lệ cao hơn, 70-90%. Nếu dạ dày còn tốt nhưng bị rối loạn tiêu hóa, tỷ lệ nhiễm ghi nhận là 1/3.