Miền Tây đất rộng người thưa, dân quê thường tận dụng những khuôn đất trống để trồng thêm rau, thêm cà để cải thiện bữa ăn. Trước sân nhà là những luống rau, sau nhà dọc theo bờ ao là nơi dân quê chọn để trồng dưa leo hay dưa gang. Trái dưa leo thường nhật trong những bữa cơm nghèo khó, gắn bó với cuộc sống của người miền quê. Tô mắm kho hay đĩa cá kho mà thiếu đi dưa leo thì mất đi mùi vị. Dưa leo dù không là nguyên liệu chính để chế biến các món ăn nhưng nó dùng để điểm tô thêm cho bữa ăn thêm phần phong phú.
Những buổi trưa đi chơi cùng chúng bạn mệt nhừ, thằng nhóc là tôi ngày ấy thường chạy vội ra nhà sau bới nhanh tô cơm nguội ăn kèm với dưa mắm. Mùi vị mằn mặn của dưa đan xen với vị dẻo thơm của cơm khiến cho người đói bụng ăn hoài mà không ngán.
Miền Tây đất rộng người thưa, dân quê thường tận dụng những khuôn đất trống để trồng thêm rau, thêm cà để cải thiện bữa ăn. Trước sân nhà là những luống rau, sau nhà dọc theo bờ ao là nơi dân quê chọn để trồng dưa leo hay dưa gang. Trái dưa leo thường nhật trong những bữa cơm nghèo khó, gắn bó với cuộc sống của người miền quê. Tô mắm kho hay đĩa cá kho mà thiếu đi dưa leo thì mất đi mùi vị. Dưa leo dù không là nguyên liệu chính để chế biến các món ăn nhưng nó dùng để điểm tô thêm cho bữa ăn thêm phần phong phú.
Dưa leo là loại quả quen thuộc đối với người bình dân miệt vườn
Dân quê có câu: “Dưa leo mắc nắng dưa đắng lại đèo/ Thân phận nhà nghèo làm mắm ăn lâu”. Câu ca dao này để nói về một cách chế biến khác của trái dưa leo đó là làm mắm. Thường người ta sử dụng những trái dưa già hay bị cong queo vì thiếu dinh dưỡng để làm mắm ăn dần. Dưa leo làm mắm dù không ngon bằng dưa gang nhưng với sự khéo léo của người chế biến sau khi thành phẩm vẫn có mùi vị đậm đà lạ miệng.
Chọn những quả dưa leo nhỏ để làm mắm
Dưa leo hái về trái lớn chẻ đôi rửa thật sạch rồi mang đi phơi nắng. Kế đến, xếp lớp vào hũ hoặc khạp, mỗi lớp cho ít muối hột vào, trên bề mặt hũ vẫn là lớp muối. Dùng lá chuối để trên bề mặt rồi đậy nắp hũ lại tầm 2 tháng. Khi trái dưa chuyển sang màu thẫm là dấu hiệu nhận biết có thể bắt đầu ăn. Mang dưa mắm rửa sạch rồi xắt thành lát mỏng cho vừa ăn để dưa bớt đi vị mặn của muối. Cho thêm đường, bột ngọt, nước cốt chanh, ớt rồi trộn lẫn vào nhau để tầm vài phút là có thể bắt đầu thưởng thức. Như một sự kết hợp vô hình, món này ăn với cơm nguội là hết chỗ chê. Vị mằn mặn của dưa hòa vào vị cay của ớt, vị chua chanh đan xen với vị ngòn ngọt, dẻo thơm của cơm mang đến cảm giác thích thú đối với cả trẻ con lẫn người lớn.
Trộn với tỏi, ớt, gia vị trước khi dùng
Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể dùng dưa mắm trộn với thịt ba rọi để cho ra một món chứa nhiều đạm hơn. Thịt ba rọi sau khi luộc chín, xắt thành từng miếng nhỏ tầm ngón tay rồi hòa lẫn với dưa mắm. Món này có thể ăn với cơm trắng hoặc kèm với ly rượu gạo nhà quê, bên những câu chuyện miệt vườn làm cho con người ta khoây khỏa sau những giờ lao động mệt nhọc. Món dưa mắm đối với người bình dân miền Tây quá đỗi thân quen, gần như nhà nào cũng có hũ dưa mắm làm sẵn để ăn dần.
Để biến tấu thêm hình thức cũng như chất lượng của dưa mắm, người ta còn có thể ủ dưa kết hợp với các loại cá sông. Tuy nhiên, cách làm này tương đối cầu kỳ và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Đơn giản nhất là hái trái dưa leo hoặc dưa gang sau nhà mang vào ủ tầm 2 tháng là có thể ăn. Đây là món ăn đơn giản, không tốn tiền mua ở chợ nhưng về độ ngon cũng không hề kém cạnh đặc sản nào. Tôi nhớ lắm những buổi trưa đi chơi về đói bụng, múc vội tô cơm nguội rồi lấy dưa mắm ăn kèm, đơn giản vậy mà ngon. Đối với người dân quê bình dị, món dưa mắm này gắn bó với cuộc sống cơ hàn đồng ruộng sớm hôm. Còn đối với đám trẻ quê chúng tôi, dưa mắm là món ăn gắn với một thời khốn khó gợi nhớ biết bao kỷ niệm thời thơ ấu chốn thôn quê.