Gan nhiễm mỡ diễn biến khá thầm lặng, khó nhận biết qua những biểu hiện bệnh lý không rõ ràng; vì vậy phương pháp tốt nhất để phát hiện bệnh là đi khám tại cơ sở y tế và siêu âm gan xác định tình trạng bệnh lý.
Ngày nay số bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ gia tăng đáng kể, đặc biệt bệnh gặp nhiều ở giới trẻ. Vậy khi bị bệnh gan nhiễm mỡ, người bệnh cần dùng thuốc điều trị như thế nào, cần làm gì để phòng bệnh?
Gan nhiễm mỡ là thoái hóa mỡ trong gan, đây là tình trạng người bệnh có một lượng mỡ lớn được tích tụ lại ở tế bào gan. Bình thường lượng mỡ trong gan chiếm tỷ lệ 2-5% trọng lượng gan, nhưng nếu tỷ lệ lớn hơn 5% có thể xác định gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ (độ 1), khi vượt 10-20% là gan nhiễm mỡ mức độ vừa (độ 2) và trên 30% là gan nhiễm mỡ mức độ nặng (độ 3). Bệnh gan nhiễm mỡ có thể điều trị bằng một số loại thuốc cần thiết.
Nguyên nhân và biến chứng
Cuộc sống ngày càng phát triển thì tình trạng gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến, bệnh cũng thường xảy ra ở những người còn trẻ tuổi. Nguyên nhân gây bệnh thường gắn bó trực tiếp đến điều kiện sinh hoạt, ăn uống và dinh dưỡng của mỗi người với nhiều hình thái như: chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn thịt mỡ động vật nhiều hơn rau quả; thường hay ăn nhậu, uống rượu bia, hút thuốc lá; lười vận động, không tập luyện thể dục thể thao; do hậu quả biến chứng của bệnh viêm gan b, C; mắc các bệnh lý khác có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất ở trong gan; có yếu tố di truyền trong gia đình. Vì vậy, người bị gan nhiễm mỡ cần biết nguyên nhân mắc bệnh để có chế độ điều trị một cách thích hợp, có hiệu quả.
Gan nhiễm mỡ diễn biến khá thầm lặng, khó nhận biết qua những biểu hiện bệnh lý không rõ ràng; vì vậy phương pháp tốt nhất để phát hiện bệnh là đi khám tại cơ sở y tế và siêu âm gan xác định tình trạng bệnh lý. Nếu cứ để bệnh âm thầm phát triển thêm, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: xơ gan và ung thư gan, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, đái tháo đường, suy yếu chức năng thải độc của cơ thể, viêm túi mật… Những bệnh lý do các biến chứng này rất khó điều trị hoặc không điều trị được, do đó cần phải phát hiện sớm bệnh gan nhiễm mỡ ngay từ lúc đầu để xử trí can thiệp, ngăn ngừa những biến chứng xảy ra.
Và thuốc chữa
Gan nhiễm mỡ có thể điều trị bằng một số thuốc phù hợp trong từng giai đoạn nhất định của bệnh với mục đích kiểm soát mỡ trong gan, phòng ngừa bệnh có khả năng tiến triển xấu hơn. Tùy theo tình trạng, mức độ gan nhiễm mỡ và điều kiện của người bệnh để chỉ định sử dụng các thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như: choline, methionin, acid amin, các loại vitamin, lecithin, silymarin…
Choline: Rất cần thiết cho việc chuyển hóa mỡ, nếu không có mỡ sẽ bị bắt giữ và tích tụ nhiều ở gan. Đây là thành phần của phosphatidyl choline tham gia vào tác dụng chuyển đổi methyl và thay đổi lipoprotein trong cơ thể. Nếu bổ sung choline cho người bị gan nhiễm mỡ thì có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ tình trạng gan nhiễm mỡ, gan bị tổn thương do thiếu choline và gan tổn thương do việc lạm dụng rượu.
Methionine: Đây là một loại acid amin cần thiết của cơ thể cung cấp methyl để tạo thành choline. Chúng có tác dụng trong việc thúc đẩy quá trình hòa tan mỡ ở trong gan, bảo vệ gan và giải độc. Tác dụng tiêu mỡ của methionine được thực hiện gián tiếp thông qua choline, vì vậy tác dụng của chúng khoảng 10-20% so với choline.
Acid amin: Để duy trì hàm lượng protein nhất định trong các cơ quan của cơ thể, thực tế cần bổ sung lượng acid amin đầy đủ và cân đối vì protid là một chất cơ bản rất quan trọng để cấu thành các mô trong cơ thể. Do đó, protid có tác dụng cần thiết trong việc duy trì và phục hồi chức năng gan, thúc đẩy quá trình phục hồi của các tổ chức gan bị tổn thương.
Các vitamin: Vitamin nhóm B, C và E có trong cơ thể cũng tham gia vào quá trình hòa tan chất mỡ trong gan và có tác dụng nhất định trong việc bảo vệ tế bào gan. Riêng vitamin E còn có thể ngăn chặn mỡ hiệu quả trong tế bào gan và ngăn chặn khả năng hoại tử gan, nếu cơ thể thiếu vitamin có thể gây nên hiện tượng mỡ biến tính ở vùng trung tâm lá gan nhỏ, thậm chí còn gây hoại tử; khi kịp thời bổ sung vitamin E thì có thể ngăn chặn mỡ biến tính trong tế bào gan và hoại tử gan, ngăn ngừa khả năng phát sinh thành tổ chức xơ. Vì vậy cần phải tích cực bổ sung việc sử dụng các loại vitamin này để phòng ngừa nguy cơ biến chứng về gan ở những người bệnh gan nhiễm mỡ.
Lecithin: Dẫn xuất tự nhiên chứa khoảng 61% phospho lipid có tác dụng bảo vệ và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan, duy trì chức năng gan bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bệnh lý gan nhiễm mỡ. Vì vậy, thuốc có chỉ định sử dụng để điều trị các bệnh viêm gan cấp tính, bán cấp tính và mạn tính; làm chậm và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.
Silymarin: Là một loại thuốc thảo dược được chiết xuất từ cây Cardus marianus có tác dụng ổn định màng tế bào gan, hoạt hóa men tế bào gan, thúc đẩy quá trình hoạt động, giải độc gan, tái tạo tế bào mới, chống xơ hóa. Thuốc được chỉ định điều trị các rối loạn chức năng gan do viêm gan, viêm gan virut, gan nhiễm mỡ, xơ gan; giải độc gan do rượu, thuốc lá, dược phẩm và cả tình trạng cơ thể mệt mỏi.