Triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, không đặc hiệu như đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói.
Ung thư phổi, dạ dày và gan phổ biến nhất ở nam giới nước ta, được xếp vào nhóm khó sàng lọc phát hiện sớm.
Ung thư phổi
Đứng vị trí thứ nhất trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt là ung thư phổi với khoảng 15.000 ca phát hiện mỗi năm. Các chuyên gia ước tính con số này có thể tăng lên gần 23.000 vào năm 2020.
Đây là một trong những loại ung thư khó sàng lọc phát hiện sớm. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, không đặc hiệu như ho, tức ngực, khó thở… Ở giai đoạn sớm, bệnh phát triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng.
Dấu hiệu gợi ý: Thường là nam giới trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào; ho khan kéo dài, có thể có đờm lẫn máu, điều trị kháng sinh không hiệu quả.
Khuyên:
Những người có nguy cơ cao như nghiện thuốc lá, có thể làm các xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC…), chụp X-quang phổi hàng năm.
Phòng bệnh: Không hút thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc hợp lý; cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có triệu chứng ho kéo dài, đau ngực…
Ung thư dạ dày
Đứng ở vị trí thứ 2 là ung thư dạ dày, cũng là loại ung thư khó sàng lọc phát hiện sớm. Theo số liệu của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 10. 400 ca bệnh, dự báo tăng lên thành khoảng 11.500 ca vào năm 2020.
Những người có nguy cơ cao: Tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn… điều trị nội khoa không khỏi cần nội soi dạ dày để phát hiện ung thư.
Biểu hiện:
Triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, không đặc hiệu như đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói.
Lúc đầu các triệu chứng thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần thường xuyên hơn. Bệnh càng lâu các triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trưa), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen…
Khuyên:
Cần thận trọng với chẩn đoán lâm sàng như viêm niêm mạc dạ dày hay đau dạ dày, hội chứng dạ dày tá tràng… mà không được chẩn đoán nội soi sinh thiết.
Khám sàng lọc phát hiện sớm:
Chỉ có thể thực hiện qua nội soi dạ dày. Khi tổn thương đã rõ, bác sĩ nội soi cũng phải lấy sinh thiết 6-8 mảnh bệnh phẩm, khi còn nghi ngờ phải lấy 10-12 mẫu.
Ung thư gan
Ung thư gan xếp vị trí thứ 3 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta; với hơn 9.000 ca bệnh mỗi năm (có thể tăng lên hơn 11.000 vào năm 2020). Bệnh khó sàng lọc phát hiện sớm vì ở giai đoạn sớm biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới.
Phòng bệnh:
– Tiêm văcxin phòng viêm gan B đầy đủ.
– Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá; dùng nhiều và thường xuyên làm tăng nguy cơ xơ gan, khiến ung thư gan dễ dàng phát triển.
– Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, lối sống lành mạnh.
– Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu có dính máu của người bệnh, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng tránh viêm gan B.
– Những người mắc viêm gan B, C hoặc các bệnh lý về gan như viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan… cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.
– Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Những người có nguy cơ cao: Tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc dioxin cần siêu âm gan và xét nghiệm máu định lượng chất chỉ điểm khối u (AFP) định kỳ 3-6 tháng một lần để phát hiện ung thư gan.